(Trẻ ăn dặm) -
Con gái tôi 9 tháng rưỡi, nặng 12,5 kg, cao 72 cm. Cháu hoạt bát và rất thích vận động nhưng giờ vẫn chưa mọc răng.
Tôi xem bảng cân nặng chuẩn thì cháu bị béo phì. Thực đơn hằng ngày của cháu là bú mẹ xen kẽ các bữa ăn: sáng 9h ăn bột, 14h và 18h ăn cháo (mỗi lần nửa bát) gồm gạo tẻ, củ quả, rau xanh và thịt, cá, tôm, cua... cùng một thìa dầu gấc, bổ sung hai viên milk canxi + một giọt vitamin D Aquadetrim và một viên DHA của Bioisland Australia.
Cháu vui chơi bình thường, hiếu động, hoạt bát và rất thích vận động. Cháu rất thích vịn đứng, leo trèo, bò trườn, thích leo lên xe để đi khắp nhà khám phá. Tuy nhiên, đến nay cháu vẫn chưa mọc răng. Tôi sờ vào nướu cháu có thấy răng muốn nhú lên nhưng mãi không chồi hẳn.
Xin bác sĩ tư vấn tôi có nên cho bé đi khám dinh dưỡng hay cần hạn chế gì trong chế độ ăn của con để điều chỉnh lại cân nặng và chiều cao không ạ? Bé chậm mọc răng như vậy có sao không? (Linh Lưu)
Trả lời
Chào bạn,
Hiện nay, bé đang trong tình trạng thừa cân, bên cạnh đó so với chuẩn của Tổ chức y tế thế giới thì chiều cao của bé ở mức trung bình thấp nên trông bé hẳn là rất bụ bẫm.
Bình thường trẻ khỏe mạnh bắt đầu mọc răng vào tháng thứ sáu, lúc một tuổi được khoảng 8 cái răng, đến 2 tuổi thì bé hết thời kỳ mọc răng sữa. Bạn có thể tính số răng theo công thức:
Số răng = số tháng tuổi - 4. Số răng sữa là 20 răng. Nếu bé bị còi xương thường mọc răng chậm.
Như vậy, bình thường bé 9 tháng số răng có thể là 5 cái nhưng con bạn hiện chưa mọc cái nào, chiều cao lại hơi thấp so với chuẩn, bạn nên kiểm tra xem bé có hay ra nhiều mồ hôi trộm không, ngủ có ngoan không và thóp có rộng không, nếu có các triệu chứng vừa nêu đi kèm có thể con bạn bị còi xương thể bụ bẫm.
Trường hợp bé không có các triệu chứng trên, vẫn ăn ngủ ngoan và chơi bình thường, bạn có thể hỏi xem trước đây, bạn và bố của bé cũng như các thành viên trong gia đình có bị mọc răng chậm không. Nếu gia đình có yếu tố mọc răng chậm thì có thể bé cũng bị chậm mọc răng.
Về chế độ ăn cho bé, cần chú ý tăng lượng sữa trong khẩu phần, một ngày khoảng 500 ml. Sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá, có nhiều canxi dễ hấp thu. Bạn nên tận dụng cho con bú mẹ, chỉ ăn thêm sữa công thức khi bạn đi làm hoặc không đủ sữa.
Ngoài sữa, có thể sử dụng cả các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai, các loại bánh bổ sung canxi, kết hợp với các thức ăn nguồn động vật như tôm, cua, cá..., chất béo mỗi bữa ăn chỉ nên cho nửa thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ vì dầu mỡ là dung môi hòa tan vitamin A, D để tăng cường hấp thu canxi.
Bạn nhớ bổ sung rau xanh và hoa quả tươi để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cho con. Hằng ngày, bạn có thể tắm nắng cho bé 15-20 phút vào buổi sáng trước 8h... Hạn chế bế bé, để cho bé tự trườn, bò, lăn, lê, vịn đứng...
Bé có thể cần được bổ sung thêm vitamin D (Aquadetrim 02 giọt/ngày) và canxi dưới dạng thuốc và kẽm nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi - vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét