(Trẻ ăn dặm) -
Vào mùa đông, khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, virus, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào cơ thể tấn công vào hệ cơ quan non yếu của trẻ gây ra các bệnh tiêu hóa.
Thời tiết lạnh khiến trẻ dễ bị bệnh đường tiêu hóa
Vào mùa đông, thời tiết thất thường, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu dài. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt của mùa đông khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ thường bị suy giảm hơn so với các mùa khác. Đây chính là lý do khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ, gây các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp...
Đối với trẻ em khi bị các vi khuẩn, virus xâm nhập, sức đề kháng của trẻ còn non kém hoặc chưa đầy đủ để chống lại tác nhân gây bệnh tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh tấn công lên các bộ phận non yếu trong ở thể trẻ. Ở trẻ, do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, thành ruột còn mỏng – yếu, khi bị vi khuẩn xâm nhập, đường tiêu hóa dễ bị nhiễm trùng. Lúc này chất độc dễ thông qua thành ruột xâm nhập vào máu, gây ra hiện tượng ngộ độc, tiêu chảy…
Ngoài ra, một số thói quen xấu ở trẻ (mút tay, ngậm đồ vật…) cũng là tác nhân gây ra bệnh tiêu hóa trong mùa đông. Khi thực hiện những thói quen xấu đó, nguy cơ trẻ tiếp xúc và nhiễm rất nhiều vi trùng, virus, trứng giun sán, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.
Mặt khác tại thời điểm mùa đông, không khí lạnh khiến cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh tiêu chảy hoạt động mạnh (Rotavirus, vi khuẩn E.coli). Do hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém lại chưa có ý thức vệ sinh cao nên dễ bị loại siêu vi này tấn công. Chúng tấn công nhanh và mạnh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, gây tiêu chảy nặng và mất nước nghiêm trọng.
Nguyên tắc cơ bản phòng bệnh cho trẻ
Để giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh trong mùa đông, các bậc phụ huynh cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng: Muốn hệ tiêu hóa của trẻ tốt thì cần giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Từ đó trẻ sẽ tăng sức khỏe, ngăn chặn được nhiều loại vi khuẩn khi chúng muốn xâm nhập vào cơ thể. Muốn làm như vậy cha mẹ cần cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Cần cung cấp cho trẻ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc… vào thực đơn hàng ngày cho trẻ để giúp cân bằng dinh dưỡng. Bổ sung đủ lượng nước, các loại vitamin cần thiết cho cơ thể trẻ. Trong quá trình nuôi con, để đảm bảo sau này con có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu đời.
- Cần khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất: Những hoạt động này sẽ giúp trẻ nâng cao sức khỏe – sức đề kháng chống lại các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ: Để ngăn chặn và loại bỏ nguy cơ lây nhiễm các bệnh tiêu hóa, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ các loại vắc- xin cần thiết.
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ: Cha mẹ cần hướng dẫn để trẻ có thói quen giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là phải rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Đảm bảo vệ sinh trong quá trình chăm sóc trẻ: Trong điều kiện vi khuẩn, virus hoạt động mạnh thì ngoài bản thân trẻ phải chú ý đảm bảo vệ sinh, các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức với vấn đề này. Những người thân trong gia đình nên có thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn khi chăm sóc trẻ, nhất là khi cho trẻ ăn và trước khi nấu ăn để bảo vệ trẻ tránh khỏi khâu trung gian lây bệnh.
Theo: saga/ trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét